Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và tăng lên nhanh chóng trong cơ thể. Hậu quả của thừa cân béo phì rất khôn lường, Người bị béo phì không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý.
Nguyên nhân gây ra bệnh béo phì
Lười vận động hoặc ít vận động: Do tính chất công việc luôn phải ngồi một chỗ khiến cơ thể không đốt cháy nhiều calo, dẫn đến sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Nếu không tích cực vận động, đi lại đều đặn mỗi ngày, lượng calo tích tụ bên trong cơ thể ngày càng nhiều. Từ đó, hình thành lượng mỡ thừa dẫn đến béo phì.
Thói quen và chế độ ăn uống không lành mạnh: Hiện nay, nhiều người thích lựa chọn đồ ăn nhanh, đồ ăn tiện lợi để dành nhiều thời gian cho công việc và học tập. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này lại chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, ít rau xanh, vì vậy mà số lượng người béo phì ngày càng tăng lên. Ngoài ra, một số người có giờ giấc làm việc không khoa học, có thói quen ăn nhiều cơm, tinh bột vào buổi tối và uống các loại thức uống có gas. Những yếu tố này cũng là nguy cơ dẫn đến bệnh thừa cân béo phì.
Mang thai: Mang thai là yếu tố khiến phụ nữ dễ tăng cân. Thời kỳ mang thai nội tiết tố trong cơ thể nữ giới tiết ra nhiều, đồng thời phải bổ sung một lượng lớn chất dinh dưỡng dẫn đến tăng trọng lượng cơ thể và rất khó giảm xuống sau khi sinh con. Từ đó, phần nào khiến cân nặng tăng nhanh và có thể dẫn đến béo phì ở phụ nữ.
Tác hại của béo phì
Ngoại hình trở nên nặng nề
Khi tăng cân mất kiểm soát, thân hình của bạn sẽ trở nên đồ sộ, xấu xí. Ngoài ra, béo phì cũng là nguyên nhân khiến da bị rạn nứt, nhão, chảy xệ. Điều này khiến nhiều người cảm thấy tự ti, đánh mất cơ hội thể hiện mình trong cuộc sống.
Ảnh hưởng tới khả năng tình dục
Người béo phì thường “ngại yêu” bởi tự ti về ngoại hình kém hấp dẫn trong mắt bạn tình và bởi tăng cân sẽ khiến hormone sinh dục giảm xuống, dẫn tới giảm ham muốn tình dục, khó đạt được khoái cảm khi quan hệ.
Dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm
Không chỉ khiến ngoại hình xuống cấp, vận động khó khăn, mỡ thừa còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như: xơ cứng mạch thần kinh, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ…
Ảnh hưởng trực tiếp tới xương khớp
Thừa cân, béo phì gây áp lực rất lớn lên hệ xương khớp, dẫn đến đau xương khớp và các bệnh như: thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm… khiến cho việc đi lại, vận động trở nên khó khăn. Ở trẻ nhỏ, béo phì có thể khiến cho hệ cơ xương khớp biến dạng, điển hình là tình trạng chân bị cong hình chữ O.
Tăng nguy cơ mắc bệnh gout
Theo các thống kê gần đây, 50% bệnh nhân gout có cân nặng lớn hơn 20% trọng lượng cơ thể bình thường. Bệnh gout là một dạng rối loạn chuyển hóa được hình thành do sự lắng đọng tinh thể muối urat trong các khớp xương, gây nên triệu chứng đau nhức, sưng đỏ và hạn chế vận động. Béo phì không trực tiếp gây ra bệnh gout nhưng người béo có nguy cơ cao mắc phải bệnh này do nồng độ axit uric và trọng lượng cơ thể liên hệ rất mật thiết với nhau.
Người có trọng lượng cơ thể lớn hơn bình thường 10% sẽ tăng nguy cơ bị bệnh gout lên 3 lần. Người béo cũng không có khả năng tự đào thải axit uric mà ngược lại còn tổng hợp axit uric nhanh hơn. Một nguyên nhân nữa đó là, trọng lượng cơ thể gia tăng đột ngột sẽ khiến cho các khớp bị áp lực, kích thích các phản ứng viêm gây tổn thương và hình thành bệnh lý về xương khớp, trong đó có gout.
Cách phòng chống béo phì
Mục đích của điều trị thừa cân và béo phì là giảm trọng lượng ở giai đoạn đầu rồi duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ hợp lý ở giai đoạn sau bằng các biện pháp sau:
Chế độ ăn giảm calo: Lượng calo cung cấp giảm từ 20 – 25 % so với tuổi và giới, loại trừ các loại đường hấp thu nhanh và mỡ bão hòa hoặc tương đương với 1.600 – 1.800 kcal/ngày. Mục đích là giảm cân từ từ, không quá nhanh, khoảng 2-3 kg/tháng.
Tăng cường hoạt động thể lực: Luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, thuận lợi cho lưu thông mạch máu, giúp cho dinh dưỡng khớp và sụn khớp tốt hơn. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên các khớp xương trong khi vận động. Nên tập luyện tối thiểu 30 phút/ngày. Những hoạt động thể thao như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu… và các môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền… nên được khuyến khích…
Phẫu thuật: Một số trường hợp nặng, không đáp ứng với các biện pháp trên, phẫu thuật làm hẹp dạ dày sẽ được đặt ra. Phối hợp với điều trị các bệnh lý đi kèm với béo phì như thuốc chống thoái hóa khớp, thuốc giảm đau, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ mỡ máu…
Tiên Tiên
Leave a reply