Say nắng, say nóng là những biểu hiện thường dễ gặp phải trong những ngày hè oi bức. Khi say nắng người bệnh thường sốt cao hơn 40 độ, phiền khát, có thể vã mồ hôi, tinh thần uể oải lơ mơ, người mệt mỏi,…
Tìm hiểu về say nắng, say nóng
Say nắng, say nóng gọi là thử ôn, là lọai bệnh nhiệt cấp tính phát sinh vào mùa hạ, có triệu chứng chủ yếu của dương minh vị nhiệt: sốt cao, bực dọc, khát nước, ra nhiều mồ hôi. Nhiệt thịnh ở vị phủ sinh táo kết, tâm phiền, người vật vã khó chịu. Khi kết hợp với các khí: phong, hàn, thấp hoặc ăn nhiều thứ đồ ăn sống lạnh làm thử ôn có chứng hậu kiêm thấp, kiêm hàn thấp… Bệnh phát mau, diễn biến nhanh, dễ làm tổn thương tân dịch và khí.
Nguyên nhân bị say nắng, đau đầu trong trời nóng
Khi con người hoạt động quá lâu dưới thời tiết nắng nóng, nhất là buổi trưa (11h -14h), nhiều tia nắng gay gắt sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy (tương ứng với vùng hành tủy của não bộ) một cách liên tục khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể sẽ bị chấn động, làm rối loạn việc điều hòa thân nhiệt kèm theo hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Bên cạnh đó, nhiệt độ quá cao làm máu trở nên nóng, các trung tâm đối giao cảm bị kích thích sẽ khiến giãn mạch máu ngoại biên, gây xuất mồ hôi,… dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, thậm chí có một số trường hợp bị say nắng có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.
Phải làm gì khi bị say nắng
Trong trường hợp say nắng, đau đầu cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế:
– Giảm thân nhiệt cho bệnh nhân bằng cách huyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.
– Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho họ.
Tại các trung tâm y tế, bệnh nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.
Cách phòng tránh say nắng, say nóng
– Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức.
– Uống đầy đủ nước khi trời nóng và cơ thể toát nhiều mồ hôi.
– Làm thoáng mát môi trường xung quanh, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò để phòng chống say nắng, say nóng.
– Trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,…
Tiên Tiên
Leave a reply