Sức khỏe tổng thể của cơ thể bạn có thể được theo dõi thông qua sức khỏe móng tay. Vậy bạn có biết về cấu tạo cũng như những căn bệnh liên quan đến móng hay không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Móng được cấu tạo bởi nhiều lớp chất đạm cứng như sừng gọi là keratin. Bản thân Keratin (chất sừng) là 1 loại protein có cấu trúc dạng sợi, là vật liệu cấu trúc quan trọng tạo nên những lớp bên ngoài của da người, cũng là thành phần chính của tóc và móng tay. Nhờ thành phần có kết cấu keratin chặt chẽ, móng tay, móng chân cùng với răng và xương được xem là những bộ phận rắn chắc nhất trong cơ thể con người.
Xét về cấu trúc, cấu tạo móng chân người, móng tay người thường bao gồm 3 lớp:
– Đĩa móng/ Bản móng: là phần ngoài, có thể nhìn thấy được của móng. Được cấu tạo bởi lớp sừng keratin và phát triển suốt đời. Đĩa móng có màu hồng do nằm trên giường móng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng.
– Giường móng: là phần mô mềm nằm bên dưới đĩa móng, có chứa nhiều mạch máu nhỏ giúp cho móng có màu hồng.
– Mầm móng: được coi là phần “rễ”, tập trung các mạch máu, chịu trách nhiệm nâng đỡ và phát triển móng.
Các bệnh của móng: Móng có thể bị một số bệnh gây ra do các tác nhân từ trong hoặc ngoài cơ thể.
– Mặc dù móng do chất keratin cứng tạo ra, nhưng khi ngâm móng vào nước quá lâu, móng trở nên giòn. Lý do là móng có những lỗ nhỏ li ti, nên nước ngấm qua móng nhanh hơn là qua biểu bì. Nước làm cho móng căng tấy. Khi được mang ra khỏi nước, móng khô và teo lại. Trường hợp này thường thấy ở người làm bếp nấu ăn, bơi lội, đánh bắt cá, rửa chén bát…Mỹ phẩm làm bóng móng và chất hòa tan lau sơn móng cũng làm móng giòn, nứt, dễ gẫy.
– Bệnh nấm móng rất phổ biến và cũng khó chữa lành. Bào tử nấm bám trên móng, hủy hoại lớp keratin và sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Móng trở nên gồ ghề, dầy, nứt, đôi khi tách rời khỏi đầu ngón tay. Các loại thuốc bôi thoa đều ít công hiệu để tiêu diệt nấm. Bệnh có thể tái phát. Bệnh nấm móng chân thường xảy ra khi đi chân đất ở nơi công cộng hoặc do chân ẩm ướt, hấp hơi.
– Móng thụt thường xẩy ra ở ngón chân cái. Mép của móng cong lại và mọc lẹm vào phần mềm quanh móng, gây ra đau đầu ngón chân. Bệnh thường xảy ra khi giầy quá chật, mang giày cao gót, đi trên đầu ngón chân, hoặc khi cắt móng quá sát da…Nhiễm khuẩn có thể xảy ra nếu không điều trị ngay. Khi móng đâm ngang nhiều hơn và đã làm mủ, nên đi bác sĩ để được cắt bớt một phần móng hư và cạo bỏ phần Da nhiễm độc.
– Nhiễm độc xung quanh móng do các vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Proteus. Bệnh có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh và phẫu thuật loại bỏ mủ tích tụ quanh móng.
– Trong bệnh vẩy nến, bệnh rụng tóc từng vùng, móng có mầu đục, biến dạng, gồ ghề rất khó điều trị…
Leave a reply